Những chặng đường phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp Bách Khoa Hà Nội

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST) có nhiều năm kinh nghiệm trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp gắn liền với thực tiễn, là nền tảng bền vững để giảng viên khởi nguồn các hoạt động khởi nghiệp và giúp sinh viên tự tin theo đuổi con đường khởi nghiệp. Hệ sinh thái đã hỗ trợ toàn diện từ việc hình thành ý tưởng đến thương mại hóa sản phẩm, dựa trên hạ tầng phòng thí nghiệm hiện đại và môi trường sáng tạo được tích hợp chặt chẽ với đào tạo học thuật.

Nhà trường triển khai các chương trình và cuộc thi khởi nghiệp, khuyến khích nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo (R&D và innovation), đóng vai trò là bệ phóng vững chắc cho hành trình khởi nghiệp của sinh viên.

Những khởi nguồn từ trên ghế giảng đường

Năng lực và tư duy STEM của những học sinh ưu tú nhất khi trở thành sinh viên Bách khoa chính là lực lượng nòng cốt trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của nhà trường. Ngay từ năm đầu, các bạn sinh viên đã được trao quyền thông qua việc học tập, nghiên cứu và áp dụng thực tiễn dưới sự hướng dẫn của các thầy cô giàu kinh nghiệm. Các bạn bắt đầu hình thành con đường tương lai của mình – có thể là những kỹ sư thực chiến, những nhà khởi nghiệp sáng tạo, chuyên gia hàng đầu hay nhà khoa học xuất sắc. Dù là ai, các bạn đều sẽ là phiên bản tốt nhất của chính mình!

Trên cơ sở định hướng đó, sinh viên sớm được khuyến khích tham gia vào các phòng nghiên cứu hiện đại của trường và được giới thiệu thực tập tại các doanh nghiệp có uy tín trong và ngoài nước, giúp sinh viên cọ xát với thị trường công nghệ và công nghiệp.

Các ý tưởng đổi mới sáng tạo của sinh viên được thử thách qua các cuộc thi trong và ngoài nước, nhận được sự hỗ trợ và kết nối đầu tư từ Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo Bách khoa Hà Nội (BK Fund). Tiếp đó, Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghệ Bách khoa Hà Nội (BK Holdings) tiếp tục “chắp cánh” cho các ý tưởng này thông qua việc huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm do sinh viên phát triển.

Trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị là kim chỉ nam chiến lược định hướng phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở thành nền tảng cốt lõi cho phát triển bền vững, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo này, mọi thành phần – từ giảng viên tiên phong đến sinh viên khởi nghiệp tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST) – đều không ngừng vươn lên, tạo ra những tác động mạnh mẽ và ứng dụng thực tiễn hiệu quả.

Các hoạt động khởi nguồn, khởi nghiệp tại nhà trường đã giúp sinh viên rút ngắn hành trình đến thành công, khởi nghiệp sớm hơn, chủ động hơn trong phát triển công nghệ và sản phẩm, từ đó đóng góp tích cực cho xã hội.

Bách khoa Hà Nội – Bệ phóng cho sinh viên khởi nghiệp

Cuối năm 2023, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành lập Trung tâm Sáng tạo và Khởi nghiệp Sinh viên nhằm nuôi dưỡng văn hóa đổi mới sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp và xây dựng môi trường giúp các ý tưởng sinh viên có cơ hội phát triển thành những giải pháp thực tiễn có giá trị.

Trong năm 2024, Trung tâm tổ chức nhiều hội thảo, khóa học về các kỹ năng khởi nghiệp thiết yếu như: lập kế hoạch kinh doanh, quản trị tài chính, marketing, pitching… Đồng thời, trung tâm cũng phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp để mang đến những chương trình đào tạo chất lượng cao dành cho sinh viên.

Gần đây, Trung tâm đã phối hợp với BK Holdings và Ban Khoa học Công nghệ tổ chức hội thảo “Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội” và chương trình ươm tạo cho 15 dự án, trong đó có 7 dự án do sinh viên thực hiện.

Hai chương trình gọi vốn BK Startup Days (diễn ra vào tháng 7 và tháng 10/2024) đã thu hút gần 30 doanh nghiệp và quỹ đầu tư. Kết quả, dự án Awake Driver của sinh viên đã thành lập công ty khởi nghiệp và gọi vốn thành công 600 triệu đồng, trong đó 250 triệu đồng đã được giải ngân trong năm 2024.

Vào tháng 5/2024, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức chuỗi hoạt động Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học lần thứ 41 cùng với Triển lãm sản phẩm nghiên cứu khoa học sinh viên. Các đề tài nghiên cứu của sinh viên trải dài trên 6 lĩnh vực chính: Công nghệ dữ liệu và hệ thống thông minh; Năng lượng và môi trường bền vững; Vật liệu mới; Khoa học và công nghệ sức khỏe; Khoa học tự nhiên ứng dụng; Khoa học xã hội và kinh tế.

Đặc biệt, hội nghị tập trung vào các chủ đề như: trí tuệ nhân tạo (AI), nhà máy thông minh và robot, vật liệu bán dẫn và ứng dụng trong công nghiệp, năng lượng – môi trường bền vững và công nghệ thiết bị y sinh.

Nhờ cải tiến toàn diện, sự kiện đã thu hút gần 1.400 sinh viên tham gia, với 438 công trình nghiên cứu được trình bày. Trong đó, 113 bài báo được công bố trên các tạp chí và hội nghị quốc tế uy tín; 7 đề tài nhận được giải thưởng cấp Bộ; nhiều chương trình khác cũng đã được tổ chức thành công.

Những hoạt động này không chỉ khuyến khích tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng sinh viên, mà còn góp phần xây dựng năng lực nghiên cứu ứng dụng, thúc đẩy hợp tác đại học – doanh nghiệp và phát triển bền vững hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Tính đến tháng 12/2024, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có 27 đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích được chấp nhận20 văn bằng bảo hộ được cấp. So với năm 2023, số đơn được chấp nhận tăng 35%, số văn bằng được cấp tăng 5,3%.

Nhà trường cũng đã triển khai việc thành lập các viện nghiên cứu trực thuộc nhằm phát triển sản phẩm công nghệ, thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp và nghiên cứu liên ngành, hướng đến việc xây dựng các công ty spin-off trong tương lai.

Một lần nữa, vai trò tiên phong của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp được khẳng định rõ nét, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Nguồn: Cục Thông tin, Thống kê – Bộ Khoa học và Công nghệ

Share post

Facebook
Twitter
LinkedIn
Telegram
Email

Most Relevant