Dữ liệu là rào cản
AI không còn là lĩnh vực chỉ dành riêng cho các tập đoàn công nghệ lớn. Ngày nay, nhiều công ty khởi nghiệp đang tận dụng AI để giải quyết những vấn đề cụ thể của từng ngành nghề.
Điển hình như câu chuyện của AILIVER – startup gây ấn tượng mạnh với bài trình bày về ứng dụng AI như một giải pháp hỗ trợ chẩn đoán sớm ung thư gan, tại vòng Chung kết Aiviet Innovation Awards 2024 do Quỹ Ái Việt Venture tổ chức giữa tháng 2 vừa qua.
Là một trong 7 đội tham gia, AILIVER được giới thiệu nhiều tiềm năng khi tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ bác sĩ phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường và đưa ra đánh giá chính xác hơn. Trong khi đó, các phương pháp chẩn đoán truyền thống vẫn phụ thuộc nhiều vào chất lượng hình ảnh và trình độ chuyên môn của bác sĩ.
Hiền Nguyễn – nhà đồng sáng lập của AILIVER – cho biết, mô hình của họ được huấn luyện trên dữ liệu hình ảnh y khoa từ Đại học Y Hà Nội. AILIVER cũng được giới thiệu là có nền tảng hỗ trợ đằng sau từ Novodan, một công ty công nghệ y sinh có trụ sở tại Bắc Âu, cùng với công nghệ phân tích hình ảnh của NVIDIA.
Dù phần trình bày hấp dẫn, nhưng trong cuộc thi, các giám khảo đặt nhiều câu hỏi về chất lượng dữ liệu – nhấn mạnh rằng dữ liệu y tế tại Việt Nam có thể không chính xác hoặc thiếu tiêu chuẩn. Đại diện startup cho biết họ đã hợp tác với các bác sĩ giàu kinh nghiệm để đối chiếu, kiểm tra và dán nhãn dữ liệu. Đồng thời, đội ngũ cũng lên kế hoạch kết hợp thêm với các bệnh viện khác trong tương lai để gia tăng nguồn dữ liệu đầu vào.
Trên thực tế, AILIVER không phải là đơn vị khởi nghiệp duy nhất theo đuổi bài toán ung thư gan. Trong nước còn có một cái tên nổi tiếng hơn là Công ty Cổ phần VinBrain – startup công nghệ tiên phong phát triển các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho y tế, từng được đầu tư bởi Vingroup. Cuối năm 2023, VinBrain đã chính thức được chuyển nhượng cho tập đoàn sản xuất chip phân tích AI lớn nhất thế giới NVIDIA.
Theo giới thiệu, sản phẩm do VinBrain phát triển hỗ trợ các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng với khả năng xử lý nhiều loại hình ảnh y tế, bao gồm ảnh X-quang, ảnh chụp cắt lớp vi tính (CT), ảnh cộng hưởng từ (MRI)… Các mô hình AI tự động khoanh vùng và phát hiện các loại tổn thương, bất thường với độ chính xác cao.
Một startup khác trong lĩnh vực y sinh – từng làm việc tại Google – cũng ứng dụng AI để xét nghiệm gen, nhằm tìm ra nguy cơ bệnh tật tiềm ẩn. Mô hình này sau đó được một quỹ đầu tư mạo hiểm rót vốn. Đáng chú ý, họ đưa ra khái niệm xét nghiệm gen để “khám phá bản thân”, đặc biệt hướng đến trẻ em.
Một thành viên ban giám khảo Aiviet Innovation Awards 2024 cho rằng, vốn đầu tư từ các quỹ mạo hiểm cho nghiên cứu AI không thiếu. Tuy nhiên, khả năng ứng dụng thực tế và độ chính xác – cũng như sự phù hợp với môi trường hoạt động y tế tại Việt Nam – mà không gây phản cảm cho người dùng, mới là yếu tố quyết định thành bại của một mô hình khởi nghiệp AI trong lĩnh vực này.
Nhìn chung, dữ liệu chính là “nhiên liệu” chính để các startup AI hoạt động, nhưng không phải ai cũng sở hữu bộ dữ liệu đầy đủ và chính xác. Các công ty mới thành lập thường gặp khó khăn trong việc thu thập dữ liệu lớn vì bị phân mảnh và không dễ tiếp cận, nhiều tập dữ liệu chất lượng cao chỉ thuộc sở hữu của các tập đoàn lớn. Thêm nữa, một số lĩnh vực như y tế, tài chính có các quy định nghiêm ngặt về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu.
Tương lai của khởi nghiệp dựa vào dữ liệu
Một sản phẩm phân tích tài chính dựa trên tích hợp với ChatGPT của một cựu chuyên viên phân tích của công ty chứng khoán, được làm ra với lý do là “tiết kiệm thời gian thu thập dữ liệu”.
Ở phiên bản đầu tiên, người dùng có thể truy vấn dữ liệu thông tin tài chính, hệ thống trả kết quả được mô tả ngắn gọn súc tích, có bảng biểu đầy đủ. Phiên bản thứ hai dự kiến sẽ cập nhật thêm khả năng phân tích chuyên sâu hơn bằng những phương pháp tài chính cụ thể.
Mô hình ngôn ngữ lớn với Gen AI như ChatGPT đang ngày càng phổ biến. Thị trường ngày càng xuất hiện thêm nhiều tên tuổi từ các tập đoàn lớn sau này như Grok (của nền tảng X) hay DeepSeek của Trung Quốc. Việc tích hợp thêm công cụ chuyên sâu là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, vấn đề vẫn là câu chuyện dữ liệu.
Chẳng hạn với công cụ trên, dữ liệu chỉ gói gọn trong phạm vi báo cáo tài chính của các công ty niêm yết. Ví dụ đặt câu hỏi “Công ty chứng khoán nào dẫn đầu thị phần môi giới tại Việt Nam?”, hệ thống sẽ không nhắc đến những công ty chưa niêm yết.
Trước đó, trên sàn chứng khoán HOSE, ông Trịnh Hoài Giang, Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) nói rằng HSC cũng đang nghiên cứu học hỏi để ứng dụng AI. Trong ngành chứng khoán, AI có thể được ứng dụng để nghiên cứu, tổng hợp data, quản lý khách hàng và dịch thuật. Còn trên toàn cầu, AI được ứng dụng nhiều nhất trong lĩnh vực ngân hàng, giúp tự động hóa các khâu phê duyệt thủ tục. Các ngân hàng lớn đều đầu tư nhiều tiền và tiết kiệm được nhiều chi phí nhờ AI.
Tại tọa đàm khoa học “Ứng dụng AI dành cho các tổ chức Tài chính và Bảo hiểm” do Đại học UEH tổ chức mới đây, các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng AI có nhiều hướng đi. Ngoài các giải pháp phân tích tài chính và trợ lý tài chính, với mô hình phân tích dữ liệu lớn, AI còn có thể giúp khối văn phòng tự động hóa và tối ưu việc thẩm định hồ sơ và giải quyết yêu cầu của khách hàng, từ đó cho vay chính xác hơn.
Nhìn chung, sự phát triển mạnh mẽ của các công ty AI khởi nghiệp đến từ nhiều yếu tố, bao gồm sự phổ biến của các nền tảng điện toán đám mây, sự tiến bộ trong nghiên cứu AI và sự gia tăng của các nhà đầu tư sẵn sàng rót vốn vào lĩnh vực này.
Trở lại với câu chuyện của giải thưởng khởi nghiệp của quỹ mạo hiểm Ái Việt Venture, AILIVER không giành giải chung cuộc mà giành được danh hiệu “Tiên phong”, nhận được khoản đầu tư ươm mầm trị giá 50.000 USD từ quỹ này, mở ra cánh cửa để tiếp tục thử nghiệm và hoàn thiện sản phẩm. Dự án Airboots, robot canh tác nông nghiệp của Công ty Shoes Agtech, đã đoạt Giải Nhất chung cuộc.
“Chúng ta không chỉ tập trung vào nghiên cứu và phát triển, mà cần sáng tạo và thương mại hóa nhanh chóng. Thách thức lớn nhất là đưa nghiên cứu khoa học vào thực tế và tạo doanh thu”, TS. Nguyễn Thành Nam, một trong những nhà sáng lập Tập đoàn FPT và Chủ tịch AiViet Venture, nói về thách thức của khởi nghiệp, cho dù có là AI hay không.
Nguồn: Cục Thông tin, Thống kê – Bộ Khoa học và Công nghệ