BUYO – Khi công nghệ sinh học cần một hành lang chính sách xanh để lớn mạnh

Trong thời đại mà thế giới đang chạy đua để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững Net Zero vào năm 2050, các startup đổi mới sáng tạo như BUYO đã và đang chứng minh vai trò không thể thay thế của deep-tech trong tiến trình chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, từ thực tiễn đồng hành cùng doanh nghiệp, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC) nhận thấy: công nghệ tốt là chưa đủ. Những rào cản thể chế và tư duy thị trường trong nước đang khiến nhiều giải pháp tiên phong bị chững lại, thậm chí chưa thể tìm được thị trường trong chính quốc gia nơi chúng sinh ra.


BUYO: Khi sản phẩm Việt tìm thấy “đất hứa” bên ngoài biên giới

BUYO là startup đạt danh hiệu Quán quân tại cuộc thi Techfest Việt Nam 2023 và là một trong sáu startup Việt Nam được lựa chọn tham gia chương trình hỗ trợ của P4G (Partnering for Green Growth and the Global Goals 2030 Initiative) năm 2025 – một sáng kiến quốc tế danh giá nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh và tăng trưởng bền vững toàn cầu.

Với công nghệ tiên phong biến phụ phẩm nông nghiệp thành loại vật liệu sinh học phân hủy hoàn toàn để thay thế nhựa – BUYO đã khẳng định được vị thế của mình trên thị trường quốc tế bằng việc đạt được các chứng chỉ, tiêu chuẩn khắt khe của những thị trường khó tính nhất như Châu Âu, Hoa Kỳ và xây dựng được mối quan hệ đối tác thương mại với các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Thế nhưng, nghịch lý đang hiện hữu: thị trường nước ngoài đón nhận sản phẩm của BUYO với các cơ chế đấu thầu xanh, ưu đãi đầu tư và chính sách khuyến khích sử dụng vật liệu mới, cấm sử dụng nhựa thường rất rõ ràng, trong khi tại Việt Nam – nơi startup này được ươm mầm và phát triển – thì chưa có một hành lang chính sách thực sự hấp dẫn để công nghệ xanh cắm rễ.


Những rào cản đang “trói chân” startup xanh

Từ quan sát của NSSC, có bốn điểm nghẽn lớn đang ảnh hưởng trực tiếp đến hành trình thương mại hóa của các startup như BUYO:

  1. Cơ chế đấu thầu còn ưu tiên giá thấp
    Trong khi sản phẩm của BUYO đạt chuẩn quốc tế về độ an toàn sinh học và khả năng phân hủy, các cơ chế mua sắm công tại nước ta vẫn đang đặt ưu tiên vào tiêu chí giá thấp, chứ chưa ưu tiên vào các giá trị như tác động môi trường hay an toàn cho người sử dụng. Điều này vô hình chung tạo ra áp lực lớn cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo như BUYO, khi chi phí sản xuất của các sản phẩm xanh hiện tại vẫn chưa thể cạnh tranh ngang bằng với các sản phẩm nhựa truyền thống do quy mô còn nhỏ, chi phí đầu tư ban đầu và nghiên cứu phát triển cao.

  2. Tư duy chuyển đổi xanh chưa thấm sâu vào khối tổ chức doanh nghiệp
    Việc chuyển đổi mô hình sản xuất, tiêu dùng xanh trong khu vực công còn cần nhiều lực đẩy. Chưa có sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy, chưa có KPI về “mức độ xanh” trong mua sắm công, dẫn đến khoảng cách lớn giữa kỳ vọng phát triển bền vững và hành động thực tế.

  3. Thiếu vắng các chính sách bắt buộc chuyển đổi
    Không có các quy định bắt buộc về sử dụng vật liệu sinh học, hoặc lộ trình cắt giảm và loại bỏ nhựa truyền thống rõ ràng với các biện pháp thực thi mạnh mẽ nên chưa tạo ra được đòn bẩy để thị trường Việt Nam có sự chuyển đổi sang những loại vật liệu mới thay thế nhựa. Startup xanh phải tự bươn trải trên thị trường tự do mà chưa có đòn bẩy thể chế.

  4. Thách thức đạt được mục tiêu 2050 nếu không thay đổi ngay từ hôm nay
    Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Nhưng nếu các chính sách không khuyến khích sử dụng công nghệ xanh bản địa, thì mục tiêu này sẽ rất khó đạt được, và cơ hội cho các startup tiên phong như BUYO cũng dần thu hẹp.


Kiến nghị từ thực tiễn – Vì một Việt Nam chủ động dẫn đầu chuyển đổi xanh

Từ bài học thực tiễn khi đồng hành cùng BUYO, NSSC đề xuất một số kiến nghị chính sách cụ thể để hỗ trợ startup deep-tech trong lĩnh vực công nghệ sinh học và kinh tế tuần hoàn:

  1. Xây dựng hành lang pháp lý đặc thù cho vật liệu xanh và sản phẩm phân hủy sinh học, bao gồm lộ trình rõ ràng trong việc bắt buộc giảm thiểu, tiến tới loại bỏ nhựa thông thường; áp thuế đối với các vật liệu nhựa gây ô nhiễm môi trường; xây dựng cơ chế công nhận sản phẩm sinh thái và các chính sách ưu đãi phù hợp.

  2. Ưu tiên tiếp cận thị trường công, triển khai cơ chế đấu thầu hướng tới chuyển đổi xanh; thúc đẩy các chiến dịch hành động thực sự trong khu vực công từ cấp trung ương tới địa phương để hỗ trợ các công nghệ tiên phong do doanh nghiệp Việt phát triển.

  3. Áp dụng chính sách ưu đãi tài chính đặc biệt cho các startup có chứng nhận quốc tế về bền vững: miễn giảm thuế nhập nguyên liệu sinh học, hỗ trợ chi phí thử nghiệm sản phẩm, miễn giảm tiền thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp xanh.

  4. Lồng ghép tiêu chí xanh vào tất cả chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm của nhà nước, nhằm đảm bảo sản phẩm xanh nội địa được có cơ hội tiếp cận và lựa chọn.


P4G: Cánh cửa mở ra thế giới, nhưng cánh cửa trong nước cần chính sách đẩy

Chương trình P4G đã mang đến cho BUYO những cơ hội hiếm có: tài trợ tài chính, huấn luyện chiến lược, và tiếp cận các đối tác quốc tế trong lĩnh vực bền vững. Nhưng để phát triển bền vững thực sự, BUYO cũng cần một thị trường nội địa không còn là “vùng trắng chính sách”.

Những startup như BUYO không chỉ cần nguồn lực tài chính và sự hậu thuẫn từ thị trường quốc tế, mà hơn hết, họ cần một cơ chế chính sách nội địa đủ mạnh, đủ rõ ràng và đủ quyết liệt để có thể tự tin phát triển và cạnh tranh ngay trên chính sân nhà.

Và đó chính là nơi mà nhà nước, các bộ ngành và địa phương có thể chung tay kiến tạo – không chỉ để ươm mầm những công nghệ tiên phong, mà còn để chủ động chiếm lĩnh vị thế trong cuộc đua xanh toàn cầu.

Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu (P4G) được hình thành năm 2017 trên cơ sở sáng kiến của Chính phủ Đan Mạch, tiền thân là Diễn đàn Tăng trưởng xanh toàn cầu (3GF). Đến nay, diễn đàn P4G có 12 quốc gia thành viên, bao gồm: Đan Mạch, Chile, Mexico, Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya, Colombia, Hà Lan, Bangladesh, Indonesia và Nam Phi cùng với sự tham gia của hơn 90 quốc gia, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp. Trong năm nay, Việt Nam là một trong 7 thành viên sáng lập, là đối tác chính thức của P4G và sẽ đăng cai Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư vào năm 2025.

P4G được coi là diễn đàn hàng đầu thế giới về thúc đẩy hợp tác đối tác công – tư, kết nối các chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức chính trị – xã hội để cùng đưa ra các giải pháp mang tính đột phá về tăng trưởng xanh, góp phần thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững 2030 (SDGs). Hỗ trợ của P4G cho các nước đối tác chủ yếu thông qua hình thức đối tác công – tư, cung cấp hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ triển khai các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh P4G 2025, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì tổ chức Diễn đàn đối thoại chính sách: Khuyến khích đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Chương trình do Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia điều phối nội dung, quy tụ các chuyên gia hàng đầu, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và quỹ đầu tư trong và ngoài nước cùng chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững và tìm kiếm cơ hội hợp tác.

  • Thời gian: 9:00 – 11:15, ngày 16/4/2025
  • Địa điểm: Phòng 339, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội
  • Nội dung chính:
    • Hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý và cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo xanh;
    • Tham khảo kinh nghiệm quốc tế và những mô hình thành công có thể áp dụng hiệu quả tại Việt Nam;
    • Định hướng tương lai, nhấn mạnh vào các xu hướng, cơ hội cũng như chiến lược để nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi xanh toàn cầu.

Share post

Facebook
Twitter
LinkedIn
Telegram
Email

Most Relevant