Các doanh nghiệp cùng tham gia giảng dạy nội dung khởi nghiệp
PGS.TS. Phạm Văn Song – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Miền Đông cho biết, nhà trường đã đưa môn “Kỹ năng tư duy sáng tạo và Khởi nghiệp” vào chương trình đào tạo với 2 tín chỉ. Môn học này cung cấp kiến thức lý thuyết về khởi nghiệp, công nghệ và chuyển đổi số, đồng thời giúp sinh viên phát triển các kỹ năng quan trọng như hình thành ý tưởng, lập kế hoạch kinh doanh, tìm kiếm và ứng dụng công nghệ.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao trải nghiệm thực tiễn, nhà trường thường xuyên tổ chức các workshop, talkshow với sự tham gia của các doanh nhân, cá nhân khởi nghiệp xuất sắc. Đặc biệt, các diễn giả không chỉ chia sẻ câu chuyện thành công mà còn thẳng thắn đề cập đến những khó khăn, thất bại, giúp sinh viên rút kinh nghiệm và tránh những sai lầm trên con đường lập nghiệp. Đối với một số ngành học, nhà trường định hướng bổ sung môn “Quản lý dự án” vào chương trình chính quy, giúp sinh viên có nền tảng vững chắc về khởi sự, lập kế hoạch và quản lý dự án khởi nghiệp. Đồng thời, nhà trường cũng tích cực hợp tác với doanh nghiệp và quỹ đầu tư để hỗ trợ học bổng, tài trợ và giúp sinh viên hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh.
Tại Trường Đại học Thành Đông, PGS.TS. Lê Văn Hùng – Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng nhà trường, nhấn mạnh: “Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ sinh viên khởi nghiệp bằng cách lập doanh nghiệp sau 5 năm chỉ đạt hơn 7%. Đây là con số khá thấp. Do đó, việc đưa khởi nghiệp vào chương trình giảng dạy dưới dạng môn học bắt buộc hoặc tự chọn là vô cùng cần thiết, giúp sinh viên có nền tảng vững vàng hơn khi bước vào thị trường.” Trường Đại học Thành Đông đã tiên phong đưa môn “Khởi nghiệp” vào chương trình đào tạo chính thức từ năm 2018 với 2 tín chỉ. Đặc biệt, các giảng viên không chỉ là đội ngũ cơ hữu của trường mà còn bao gồm cả các doanh nhân, nhà quản lý từ các công ty, doanh nghiệp. Để thực hiện điều này, nhà trường đã ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhờ đó, sinh viên có cơ hội thực tập ngay từ khi còn trên ghế giảng đường và dễ dàng tìm được việc làm hoặc khởi nghiệp thành công sau khi tốt nghiệp.
Tại Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang, nội dung “Khởi nghiệp sáng tạo” với 2 tín chỉ đã được tích hợp vào chương trình đào tạo của tất cả các ngành. Ngoài ra, nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, sinh hoạt ngoại khóa nhằm khích lệ tinh thần khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên. Bên cạnh đó, trường cũng triển khai nhiều hoạt động kết nối, tạo môi trường học tập và thực hành khởi nghiệp cho cả giảng viên và sinh viên. GS.TS. Phạm Bảo Dương – Hiệu trưởng Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang, nhận định: “Việc tích hợp khởi nghiệp vào chương trình học là một bước đi đúng đắn trong bối cảnh đất nước đang vận mình phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao, nội dung giảng dạy cần được thiết kế linh hoạt, bám sát thực tiễn và phù hợp với nhu cầu thực tế của sinh viên cũng như xã hội.” Những nỗ lực này cho thấy vai trò quan trọng của các trường đại học trong việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, giúp sinh viên có nền tảng vững chắc hơn trên con đường lập nghiệp.
Những hạn chế trong hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên
Bên cạnh những nỗ lực thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, GS. Phạm Bảo Dương cũng chỉ ra những hạn chế đang tồn tại trong hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp tại các trường đại học. Ông nhấn mạnh: “Phong trào khởi nghiệp của sinh viên chưa thực sự sôi nổi do chính sách chưa đồng bộ và vẫn còn ‘đứt đoạn’. Dù nhiều chính sách hỗ trợ đã được ban hành, nhưng việc triển khai chưa nhất quán giữa các cấp chính quyền và nhà trường. Đặc biệt, thiếu những quy định cụ thể về tài trợ vốn, cơ chế hợp tác giữa doanh nghiệp và trường học, cũng như các hỗ trợ pháp lý dành cho sinh viên khởi nghiệp.”
Bên cạnh đó, một số hoạt động khởi nghiệp và các cuộc thi hiện vẫn mang tính phong trào, thiếu các chương trình dài hạn hoặc các bước hỗ trợ tiếp theo giúp sinh viên triển khai ý tưởng thành dự án thực tế. Nội dung đào tạo khởi nghiệp chưa bám sát nhu cầu thị trường, đồng thời thiếu các kỹ năng quan trọng như quản trị rủi ro, gọi vốn hay phát triển sản phẩm.
Thời gian sinh viên học tập tại trường có hạn, trong khi các dự án khởi nghiệp lại cần một khoảng thời gian dài để hoàn thiện. Hơn nữa, hoàn cảnh của sinh viên trước và sau khi ra trường khác biệt đáng kể. Nếu không có sự hỗ trợ bài bản và dài hạn, sinh viên khó có thể theo đuổi những ý tưởng khởi nghiệp từ ban đầu.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục đại học hiện chưa đủ nguồn lực để xây dựng không gian chuyên biệt dành cho hoạt động khởi nghiệp, chẳng hạn như vườn ươm, trại sản xuất thử nghiệm, nhà xưởng, phòng thí nghiệm sáng tạo hay trung tâm tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp. Việc đầu tư cơ sở vật chất phần lớn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, trong khi nguồn lực xã hội hóa còn hạn chế.
Theo PGS.TS. Phạm Văn Song, để giúp sinh viên xây dựng tinh thần khởi nghiệp và trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp, vai trò của giảng viên là vô cùng quan trọng. Ông chia sẻ: “Giảng viên phải là người truyền cảm hứng, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp và luôn tự đổi mới chính mình, giúp sinh viên có động lực khởi nghiệp.”
Hiện đã có nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp được ban hành, như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; Quyết định 1665/QĐ-TTg về “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”; Chỉ thị số 9/CT-TTg về tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; hay Quyết định số 897/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022 – 2030”. Điều này cho thấy tầm quan trọng của khởi nghiệp trong chiến lược phát triển quốc gia.
Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ hiện nay vẫn còn mang tính chung chung, chưa được phân hóa theo từng ngành, nghề hay lĩnh vực cụ thể. Việc xây dựng và phát triển các tổ chức ươm tạo, cũng như công tác huấn luyện, tư vấn khởi nghiệp chưa thực sự đồng bộ và chuyên sâu. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ vốn và cơ sở vật chất vẫn còn nhiều hạn chế. Thủ tục vay vốn, gọi vốn và giải ngân cho doanh nghiệp khởi nghiệp còn phức tạp. Ngoài ra, thủ tục bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng mất nhiều thời gian, gây khó khăn cho các doanh nghiệp non trẻ.
PGS.TS. Phạm Văn Song cũng nhận định rằng, các ý tưởng khởi nghiệp hiện tại vẫn chưa có tính sáng tạo cao, chưa gắn chặt với nhu cầu thực tế của người dân và cộng đồng. Do đó, chưa thu hút được nguồn lực đầu tư từ các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp.
Định hướng đổi mới để nâng cao hiệu quả giảng dạy khởi nghiệp
Xuất phát từ những khó khăn và hạn chế trong hoạt động khởi nghiệp tại các trường đại học, PGS.TS. Phạm Văn Song nhấn mạnh sự cần thiết của việc chuẩn hóa công tác đào tạo, đội ngũ giảng viên và chương trình giảng dạy. Ông cho rằng đổi mới sáng tạo phải bắt đầu từ tư duy phản biện, giúp các dự án khởi nghiệp có góc nhìn đa chiều, sáng tạo và mang tính thực tiễn cao hơn. Một trong những rào cản lớn hiện nay là mức độ ứng dụng khoa học công nghệ còn thấp, khiến khả năng cạnh tranh của các sản phẩm khởi nghiệp chưa cao. Do đó, việc trang bị kiến thức về công nghệ và chuyển đổi số là cần thiết đối với các chủ dự án. Bên cạnh đó, do khởi nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro cao, cần có thêm chính sách ưu đãi dành cho các nhà đầu tư và quỹ đầu tư mạo hiểm để thúc đẩy hoạt động này.
Xây dựng văn hóa khởi nghiệp ở trường đại học
Theo PGS.TS. Phạm Văn Song, một nguyên nhân sâu xa khiến hoạt động khởi nghiệp chưa được thúc đẩy mạnh mẽ là do Việt Nam chưa hình thành văn hóa khởi nghiệp rõ nét. Tâm lý e ngại rủi ro, tư duy an toàn và thiếu phản biện đang cản trở quá trình hiện thực hóa ý tưởng. Ngoài ra, đội ngũ giảng viên phần lớn thuộc thế hệ trước, chưa có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, dẫn đến việc chưa truyền được cảm hứng cho sinh viên. Ông đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các trường đại học cần đưa giảng dạy, tư vấn và hỗ trợ khởi nghiệp vào nhiệm vụ chính thức của giảng viên. Cùng với đó, cần tổ chức các khóa đào tạo bài bản, khuyến khích giảng viên thông qua cả cơ chế vật chất lẫn tinh thần.
Không chỉ dừng lại ở đội ngũ giảng viên, nhà trường cũng cần tận dụng sự hỗ trợ từ cá nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp để sinh viên có cơ hội học hỏi kinh nghiệm thực tế. Đồng thời, cần tăng cường kết nối với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp như cơ quan chính sách, quỹ đầu tư, vườn ươm khởi nghiệp và truyền thông để tạo môi trường thuận lợi cho sinh viên triển khai ý tưởng.
Khởi nghiệp cần sự quyết liệt từ chính sách và nhà trường
PGS.TS. Lê Văn Hùng nhận định, một trong những “điểm nghẽn” lớn nhất hiện nay là cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả. Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có sự chỉ đạo quyết liệt, chưa bố trí nguồn kinh phí phù hợp cho hoạt động khởi nghiệp trong trường đại học. Trong khi đó, nhiều trường vẫn xem khởi nghiệp là nhiệm vụ phụ, chưa gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp hay đào tạo bài bản đội ngũ giảng viên.
Để khắc phục tình trạng này, ông đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa nội dung khởi nghiệp vào chương trình giảng dạy dưới dạng môn học bắt buộc hoặc tự chọn. Đồng thời, cần có chính sách tài trợ kinh phí để các trường có nguồn lực phát triển hoạt động khởi nghiệp cho sinh viên.
Quan trọng hơn, các trường đại học phải nhận thức đúng vai trò của khởi nghiệp, bởi sinh viên khởi nghiệp thành công sẽ đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế – xã hội, đúng theo tinh thần “doanh nghiệp mạnh, đất nước hùng cường”.
Chuẩn hóa giáo trình và nâng cao gắn kết thực tiễn
GS.TS. Phạm Bảo Dương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn hóa chương trình đào tạo khởi nghiệp, kết hợp cân đối giữa lý thuyết và thực tiễn. Theo ông, cần bổ sung các chuyên đề chuyên sâu như quản lý tài chính khởi nghiệp, marketing kỹ thuật số, ứng dụng công nghệ trong kinh doanh.
Đồng thời, mô hình giảng dạy cũng cần đổi mới theo hướng trải nghiệm thực tế, sử dụng các mô phỏng kinh doanh và dự án thực tiễn. Việc tạo ra không gian học tập linh hoạt như phòng lab khởi nghiệp, co-working space hay trung tâm đổi mới sáng tạo sẽ giúp sinh viên có điều kiện tốt hơn để phát triển ý tưởng.
Ngoài ra, để tăng cơ hội kết nối, các trường cần tạo điều kiện để sinh viên gặp gỡ các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư “thiên thần” nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính. Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất tổ chức các khóa bồi dưỡng chuyên môn cho giảng viên, không chỉ về khởi nghiệp mà còn về kỹ năng sư phạm tiên tiến. Việc khuyến khích giảng viên tham gia các dự án thực tế hoặc hợp tác với doanh nghiệp cũng giúp họ tích lũy kinh nghiệm thực tiễn. Đồng thời, có thể mời các doanh nhân thành công, nhà đầu tư hoặc cố vấn khởi nghiệp tham gia giảng dạy, hướng dẫn trực tiếp cho sinh viên.
Rõ ràng, để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong các trường đại học, cần có sự vào cuộc đồng bộ từ chính sách, nhà trường, doanh nghiệp và đội ngũ giảng viên. Khi những rào cản được tháo gỡ, khởi nghiệp trong môi trường đại học sẽ không chỉ dừng lại ở những ý tưởng sơ khai mà có thể trở thành những doanh nghiệp thực thụ, đóng góp tích cực vào nền kinh tế.
Nguồn: Bản tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia – Cục Thông tin, Thống kê Bộ Khoa học và Công nghệ