Bộ Tài chính đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 94/2020/NĐ-CP của Chính phủ, quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC). Trong đó, tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách vượt trội cho NIC, góp phần kiến tạo hệ sinh thái hoàn chỉnh hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST).
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là việc cần phải làm ngay để góp phần khai thông nguồn lực thúc đẩy KNĐMST. Phó Thủ tướng yêu cầu các đại biểu thảo luận tập trung vào ba nhóm vấn đề chính: xác định tên gọi của Quỹ Đổi mới sáng tạo quốc gia; nguồn hỗ trợ, tài trợ từ bên ngoài cho NIC có thuộc ngân sách nhà nước hay không và cơ chế pháp lý liên quan; ưu đãi liên quan đến đất đai đối với NIC.
Với sứ mệnh tiên phong, mở đường, trong 5 năm qua, NIC đã triển khai nhiều hoạt động và được ghi nhận, đánh giá là có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tốt nhất cả nước với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, trường đại học, các tổ chức hỗ trợ ĐMST, các startup từ các quốc gia phát triển. NIC bước đầu tạo lập, dẫn dắt và kết nối hoạt động ĐMST trong các ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong thực tiễn hoạt động đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi phải nghiên cứu, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 94/2020/NĐ-CP (gọi tắt NĐ94).
Theo Bộ Tài chính, tư tưởng, quan điểm về khoa học công nghệ (KHCN), ĐMST và chuyển đổi số quốc gia đã được các cấp khẳng định là đột phá quan trọng hàng đầu. Nhiều quy định của pháp luật thời gian qua đã được sửa đổi nhằm phù hợp với yêu cầu phát triển.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết, Dự thảo Nghị định đã được nghiên cứu, xây dựng để hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc áp dụng các cơ chế chính sách ưu đãi, thuận lợi trong khuôn khổ pháp luật hiện hành để NIC phát huy được vai trò trong hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp.
Đồng thời, thực hiện được các nhiệm vụ thu hút trí thức, chuyên gia trong và ngoài nước, các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn từ các nước có trình độ công nghệ phát triển, đóng góp tích cực vào việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh quốc gia trong dài hạn.
NIC là mô hình mới, được hình thành không vì mục tiêu lợi nhuận, không sử dụng ngân sách nhà nước, đồng thời là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ 100% cả về đầu tư và chi thường xuyên. Trong nhiều năm qua, NIC đã hoạt động tương đối hiệu quả, góp phần tạo động lực cho phát triển khoa học và công nghệ của đất nước.
Là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi đầu tư và chi thường xuyên trong lĩnh vực kinh tế, cung cấp các dịch vụ có thu là tất yếu nhằm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý. Tuy nhiên, do chưa có quy định rõ ràng về các dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực kinh tế, thúc đẩy ĐMST, khởi nghiệp, trong quá trình hoạt động, NIC chưa có căn cứ pháp lý và cơ chế thuận lợi để cung cấp một số dịch vụ, trong đó có vấn đề nguồn lực cho khởi nghiệp sáng tạo (KNST).
Hiện nay, việc tiếp nhận và sử dụng các khoản vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi, viện trợ, tài trợ đang gặp nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian do quy định hiện hành còn phức tạp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Trong quá trình hỗ trợ hệ sinh thái ĐMST, khởi nghiệp, việc hỗ trợ tài chính vẫn là một trong những yếu tố then chốt, góp phần vào sự thành công của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ở nước ta, hiện đã có một số quỹ hỗ trợ vốn cho KHCN, ĐMST, khởi nghiệp, nhưng do quỹ hình thành từ ngân sách nhà nước nên cơ chế sử dụng còn phức tạp, chưa phù hợp với cách thức hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Hiện chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh cho NIC huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp KNST.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết, Dự thảo Nghị định thay thế NĐ94 kế thừa, bổ sung các cơ chế, chính sách ưu đãi chung của NĐ94 đối với NIC và các tổ chức, cá nhân hoạt động tại NIC nhằm đưa Trung tâm thực sự trở thành “đầu tàu”, khuyến khích, lan tỏa ĐMST Việt Nam.
Cụ thể, Dự thảo Nghị định bổ sung các quy định về thủ tục và điều chỉnh, cập nhật quy định ưu đãi về giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại NIC phù hợp với quy định hiện hành. Bên cạnh đó, Dự thảo cũng kế thừa quy định về ưu đãi vay tín dụng đối với dự án đầu tư của cá nhân KNST, doanh nghiệp KNST tại NIC và dự án đầu tư của NIC thuộc danh mục các dự án được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước.
Đặc biệt, Điều 8 của Dự thảo bổ sung quy định về quyền, cơ chế, trình tự, thủ tục tiếp nhận, sử dụng khoản viện trợ, tài trợ trong nước để đảm bảo căn cứ pháp lý rõ ràng, thuận lợi, công khai, minh bạch và đơn giản hóa quá trình tiếp nhận, sử dụng các khoản viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phục vụ ĐMST, khởi nghiệp.
Đối với cá nhân, tổ chức hoạt động tại NIC, Dự thảo Nghị định cơ bản giữ các quy định tại NĐ94 để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ về cơ chế, chính sách ưu đãi chung cho doanh nghiệp, dự án đầu tư đã được ban hành gần đây; đồng thời bổ sung cơ chế cho NIC được thành lập Quỹ ĐMST quốc gia nhằm bổ sung nguồn lực đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp KNST.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Dự thảo Nghị định cần có những chính sách, cơ chế vượt trội cho NIC phát huy hơn nữa vai trò khuyến khích doanh nghiệp KNST. Các chuyên gia lưu ý, với quan điểm thúc đẩy NIC phát triển, cơ chế phải thực sự thuận lợi, thông thoáng, phù hợp.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Phúc, Chủ tịch Mạng lưới ĐMST Việt Nam tại Hàn Quốc nhìn nhận, KNST ở Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực và tiềm năng lớn để phát triển. Do đó, việc tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho NIC vẫn là rất cần thiết, trong đó cần có những cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội nhằm giúp NIC thu hút nguồn lực, tạo môi trường thuận lợi để cộng đồng khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng chỉ đạo, tinh thần xuyên suốt khi xây dựng Dự thảo là phải bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KHCN, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia nhằm tháo gỡ rào cản, vướng mắc, tạo cơ chế, chính sách vượt trội, đặc thù, đặc biệt nhằm thúc đẩy và khuyến khích khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Mạnh Cường cho biết Văn phòng Chính phủ nhất trí với tiếp thu, giải trình của Bộ Tài chính và ủng hộ giữ tên gọi Quỹ ĐMST quốc gia.
Văn phòng Chính phủ đề xuất áp dụng cơ sở pháp lý hiện có, kết hợp với hoàn thiện quy định liên quan để giải quyết vấn đề miễn, giảm tiền sử dụng đất, thuê đất đối với NIC.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao sự đóng góp của các cơ quan trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 94/2020/NĐ-CP ngày 21/8/2020 của Chính phủ. Dự thảo được xây dựng trên cơ sở Nghị quyết 57-NQ/TW nhằm tháo gỡ mọi rào cản, vướng mắc, tạo cơ chế, chính sách vượt trội, đặc thù, đặc biệt nhằm thúc đẩy và khuyến khích khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cơ bản nhất trí với báo cáo, giải trình của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo dựa trên ý kiến đóng góp của các Bộ.
Nguồn: Cục Thông tin, Thống kê – Bộ Khoa học và Công nghệ