Vườn ươm và chương trình tăng tốc – Phao cứu sinh cho công ty khởi nghiệp

Tính đến năm 2024, có hơn 160 Vườn ươm và Chương trình tăng tốc khởi nghiệp trên toàn thế giới. Các vườn ươm và chương trình tăng tốc khởi nghiệp trên toàn thế giới đóng vai trò như phao cứu sinh giúp các công ty thực hiện những bước đi đầu tiên, phát triển và thành công.

Các công ty khởi nghiệp giống như trẻ sơ sinh, cần phải được nuôi dưỡng liên tục để tồn tại. Khi chứng minh được năng lực, những startup này mới được tin tưởng là có thể tồn tại mà không cần bất kỳ sự hỗ trợ hay cứu cánh nào.

Các vườn ươm và chương trình tăng tốc khởi nghiệp trên toàn thế giới được thành lập như những phao cứu sinh giúp các công ty thực hiện những bước đi đầu tiên, tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ như một doanh nghiệp bền vững. Thông thường, vườn ươm và chương trình tăng tốc cung cấp các nguồn lực như không gian văn phòng, cố vấn và thậm chí còn cung cấp cả vốn hạt giống. Vườn ươm có thể hỗ trợ phát triển sản phẩm, tuyển dụng người đồng sáng lập, thành lập doanh nghiệp, phát triển kinh doanh, v.v.

Trong khi đó, công ty đã thành lập thường tham gia chương trình tăng tốc với kế hoạch kinh doanh, đội ngũ sáng lập, sản phẩm thử hoặc sau đó trên thị trường và một số dấu hiệu doanh thu ban đầu. Chương trình tăng tốc giúp các doanh nghiệp này mở rộng sản phẩm hoặc dịch vụ của mình đến nhiều đối tượng hơn.

Vườn ươm khởi nghiệp là gì?

Vườn ươm khởi nghiệp là một thực thể cung cấp các nguồn lực để biến ý tưởng thành các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu. Các chương trình vườn ươm có thể là vì lợi nhuận hoặc phi lợi nhuận và được điều hành bởi chính phủ, trường đại học, công ty đầu tư mạo hiểm, nhà từ thiện, v.v.

Các vườn ươm thực sự giống như là một “sandbox” để các doanh nhân xây dựng nguyên mẫu cho ý tưởng của họ, thử nghiệm các nguyên mẫu đó và xác định xem có thể tìm thấy sự phù hợp giữa sản phẩm và thị trường ban đầu hay không.

Các nguồn lực cho giai đoạn phát triển sản phẩm này sẽ khác với các nguồn lực của một công ty khởi nghiệp giai đoạn tăng trưởng đã đạt tới mức độ phù hợp giữa sản phẩm với thị trường.

Ví dụ, một vườn ươm khởi nghiệp có thể cung cấp máy in 3D và máy phay CNC cho các công ty khởi nghiệp phần cứng, tín dụng cơ sở hạ tầng quy trình làm việc và cố vấn cấp cao cho các công ty khởi nghiệp phần mềm.

Khi nguyên mẫu hoạt động được xây dựng, sản phẩm đã đến tay khách hàng trả tiền thực sự và công ty đã sẵn sàng mở rộng quy mô để tiếp cận nhiều khách hàng hơn, thì công ty khởi nghiệp này có thể chuyển sang mô hình chương trình tăng tốc.

Chương trình tăng tốc khởi nghiệp là gì?

Chương trình tăng tốc khởi nghiệp là một thực thể cung cấp các nguồn lực để phát triển các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu thành các doanh nghiệp tự sống được hoặc có khả năng huy động thêm vốn.

Các chương trình tăng tốc thường dành riêng cho các công ty khởi nghiệp đã đạt được một số cột mốc quan trọng và sẵn sàng phát triển doanh nghiệp của mình một cách nhanh chóng. Một số chương trình tăng tốc sẽ cung cấp vốn để đổi lấy cổ phần trong công ty.

Đây là điểm mà những ưu và nhược điểm của việc đăng ký vào một vườn ươm hoặc chương trình tăng tốc phải được cân nhắc kỹ lưỡng.

Lợi Ích Của Các Chương Trình Ươm Tạo Và Tăng Tốc

Tuy có một số khác biệt giữa hai hình thức này, nhưng có những lợi ích chung của cả chương trình tăng tốc và ươm tạo khởi nghiệp, mặc dù chúng có thể khác nhau đáng kể tùy vào từng chương trình cụ thể.

1. Cơ Hội Tài Trợ

Một số vườn ươm và chương trình tăng tốc sẽ mang lại cơ hội tài trợ khi các nhà đầu tư muốn hưởng lợi từ việc tăng giá cổ phiếu hoặc khi chính quyền địa phương muốn hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế.

Các chương trình tăng tốc đã được các nhà đầu tư mạo hiểm sử dụng rộng rãi, và cá biệt họ cung cấp cả cơ sở đào tạo cho các công ty trong danh mục đầu tư của họ. Các trường đại học và chính phủ cũng được khuyến khích đầu tư vào các cơ sở trực thuộc của họ và hỗ trợ đổi mới sáng tạo để thu được lợi ích từ tạo việc làm và mở rộng kinh tế.

Số tiền tài trợ từ các chương trình tăng tốc có thể dao động từ vài chục nghìn đô la đến hàng nửa triệu đô la. Ví dụ, StartMate – một chương trình tăng tốc của Úc – cung cấp 75.000 USD theo các điều khoản của vòng tài trợ gần đây nhất.

Nếu chương trình tăng tốc không cung cấp vốn ban đầu, thì điều này cũng không có nghĩa là không có cơ hội tài trợ. Nhiều chương trình tăng tốc có mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần, nhà đầu tư mạo hiểm và thành phần khác có thể hỗ trợ gây quỹ.

2. Không Gian Văn Phòng Miễn Phí

Hầu hết các chương trình tăng tốc đều cung cấp không gian văn phòng làm việc chung và một số ít phòng họp. Không gian văn phòng là một lợi ích rất lớn đối với các công ty khởi nghiệp vì nhiều lý do, bao gồm hạn chế chi phí định kỳ, tăng cường hợp tác, v.v.

Chi phí thuê không gian văn phòng cho một mô hình kinh doanh chưa được chứng minh là cực kỳ rủi ro. Ký hợp đồng thuê không gian trong sáu tháng hoặc lâu hơn sẽ là một khoản tốn kém đáng kể, chắc chắn sẽ tác động tới thời gian sống sót trước khi có được doanh thu.

Không gian làm việc chung trong chương trình tăng tốc cũng có lợi cho các nhóm do được tiếp xúc và học hỏi từ các nhóm có cùng chí hướng, đang gặp phải các vấn đề tương tự và khám phá ra các giải pháp đột phá. Không gian văn phòng còn mang lại một nơi chuyên nghiệp để hợp với các nhà đầu tư, khách hàng và cố vấn.

3. Cố Vấn

Warren Buffett đã tóm tắt những lợi ích của việc có cố vấn qua câu nói: “Học hỏi từ những sai lầm của bản thân là tốt. Học hỏi từ những sai lầm của người khác còn tốt hơn.”

Là một doanh nhân, bạn sẽ mắc nhiều sai lầm trên con đường sự nghiệp, và cách tốt nhất để hạn chế những sai lầm đó là kết hợp giữa sự cố vấn và tâm thế cởi mở. Mỗi công ty hoặc doanh nhân thành công đều được xây dựng trên nền tảng của thất bại.

Các chương trình tăng tốc mang đến những người giỏi nhất và thông minh nhất trong bất kỳ lĩnh vực nào để giúp thế hệ tiếp theo đạt được thành công tương tự. Việc học hỏi từ những người đã từng ở trong tình huống tương tự trước đây có thể giúp bạn xoay sở thành công một ngành công nghiệp đang gặp khó khăn.

4. Tài Nguyên

Chương trình tăng tốc cũng có thể cung cấp thêm nguồn lực và quan hệ đối tác chiến lược rất quan trọng đối với các công ty khởi nghiệp đang trong giai đoạn tăng trưởng.

Ví dụ, một số công ty tăng tốc sẽ cung cấp tư vấn pháp lý có thể giúp bảo vệ sở hữu trí tuệ, ngăn ngừa kiện tụng tốn kém và cung cấp các hình thức tư vấn pháp lý khác.

Chương trình tăng tốc cũng thường thiết lập quan hệ đối tác với các công ty cung cấp sản phẩm và dịch vụ miễn phí hoặc giảm giá cho các công ty khởi nghiệp.

Tín dụng điện toán đám mây, đăng ký SaaS giảm giá và nhiều nguồn lực khác thường có sẵn cho các công ty khởi nghiệp tham gia chương trình tăng tốc. Các nguồn lực này sẽ thay đổi rất nhiều tùy thuộc vào chương trình tăng tốc mà công ty quyết định đăng ký.

Ngày Demo cũng là một đặc quyền phổ biến khi tham gia chương trình tăng tốc. Đây là nơi các công ty giới thiệu ý tưởng, giới thiệu sản phẩm và kết nối với các nhà đầu tư để huy động thêm vốn và xây dựng mối quan hệ.

Nhược Điểm Của Chương Trình Tăng Tốc

1. Tỷ Lệ Cổ Phần

Nhiều chương trình tăng tốc có mức giá khá cao, đó là giá trị cổ phần trong công ty của bạn. Cổ phần trong một doanh nghiệp thành công là hữu hạn và do đó là một nguồn lực có giá trị cao. Bất kỳ khi nào các nhà đầu tư, cố vấn, nhân viên hoặc bất kỳ ai khác tham gia vào bảng vốn hóa (phân chia quyền sở hữu cổ phần trong một công ty), thì điều quan trọng là phải suy nghĩ về cách họ sẽ tiếp tục đóng góp trong suốt vòng đời của công ty.

Trong tài trợ khởi nghiệp, điều này được gọi là tiền thông minh so với tiền nguội. Tiền thông minh là khi một nhà đầu tư mang theo nhiều thứ hơn là tiền – như niềm đam mê kinh doanh và các nguồn lực vượt xa tài chính, và họ tiếp tục hỗ trợ sau khi đã đầu tư tiền. Tiền nguội là khi một nhà đầu tư chỉ cung cấp mỗi tiền mà không có gì khác và chỉ quan tâm đến lợi nhuận đầu tư của họ.

Nếu chương trình tăng tốc chỉ kéo dài sáu tuần nhưng lại chiếm sáu phần trăm cổ phần, thì điều quan trọng là cần phải cân nhắc xem tỷ lệ này sẽ làm giảm cổ phần của nhóm sáng lập như thế nào, khả năng huy động vốn trong tương lai và liệu chương trình tăng tốc có tiếp tục hỗ trợ sau khi kết thúc hay không.

Một số chương trình tăng tốc chào mời các vòng tài trợ tiếp theo, nhưng một lần nữa điều quan trọng là phải hiểu về sự pha loãng cổ phần sở hữu và tác động đến động lực. Nếu nhóm sáng lập bị pha loãng quá nhiều và quá sớm, họ có thể không còn đủ động lực để dồn hết tâm huyết vào công ty.

2. Không Đủ Thời Gian Hoặc Tiền Bạc

Một yếu tố khác khi cân nhắc ưu và nhược điểm của bất kỳ chương trình tăng tốc nào là thời lượng và số tiền tài trợ. Các công ty khởi nghiệp không thể được xây dựng chỉ sau một đêm, và nếu chương trình quá ngắn và không đủ tài trợ, thì startup có thể rời khỏi chương trình mà không có nhiều tiến triển và thậm chí còn bị thâm hụt ngân sách.

Ví dụ, nếu chu kỳ bán hàng của công ty khởi nghiệp kéo dài sáu tháng trở lên nhưng lại tham gia một chương trình kéo dài ba tháng với nguồn tài trợ đủ để hoạt động trong sáu tháng, thì startup này có thể sẽ rời khỏi chương trình mà không có doanh thu và không đủ tiền để sống nổi cho đến khi có dòng tiền.

Những kịch bản như thế này buộc các công ty phải huy động thêm vốn trong tình huống cấp bách và khi chưa có mô hình kinh doanh nào được chứng minh, có thể dẫn đến vòng gọi vốn giảm – nghĩa là huy động vốn dưới mức định giá ở vòng trước.

Vườn Ươm Hay Chương Trình Tăng Tốc Là Lựa Chọn Đúng Đắn?

Có rất nhiều tấm gương về các công ty đã trải qua chương trình ươm tạo hoặc tăng tốc và đạt được thành công. Airbnb, Stripe, Dropbox và nhiều công ty khác là những ví dụ điển hình.

Tuy nhiên, các quyết định sẽ tác động đến doanh nghiệp trong suốt quãng đời còn lại của nó cần được cân nhắc kỹ lưỡng – từ việc quyết định có nên thành lập công ty theo hình thức C-corp, S-corp, LLC hay hình thức khác cho đến việc quyết định phạm vi bảo hiểm của công ty.

Nếu doanh nghiệp của bạn cần hỗ trợ để khởi nghiệp và vận hành ổn định để đạt đến thành công, các chương trình ươm tạo và tăng tốc có thể là những lựa chọn khả thi. Hãy bảo đảm rằng bạn đã nghiên cứu kỹ lưỡng danh tiếng và thông số cụ thể của chương trình ươm tạo hoặc tăng tốc mà bạn đăng ký.

Nguồn: Cục Thông tin, Thống kê – Bộ Khoa học và Công nghệ

Share post

Facebook
Twitter
LinkedIn
Telegram
Email

Most Relevant