Khai mạc khóa đào tạo nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo
Sáng ngày 06/03/2024, tại TP. Hạ Long, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh (Sở KH&CN) phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC), dưới sự điều phối của Chương trình Phát triển liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam thông qua Chương trình thử thách sáng tạo giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa, đã tổ chức khai mạc Khóa đào tạo “Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong khu vực công nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa”. Khoá đào tạo diễn ra trong hai ngày 06 – 07/03/2024.
Các đại biểu tham dự khóa đào tạo
Tham dự Khóa đào tạo, có đại diện phía Chương trình Phát triển liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam, các chuyên gia từ Ban biến đổi khí hậu và môi trường (CCEU) và Phòng tăng tốc đổi mới sáng tạo (Acclab), đại diện Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC) có ông Từ Minh Hiệu – Phó trưởng phòng Khởi nghiệp ĐMST, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN).
Về phía Sở KH&CN có đồng chí Phạm Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở, đại diện các Phòng, đơn vị thuộc Sở; đại diện học viên đến từ các cơ quan ban ngành, cán bộ quản lý, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Mục tiêu của khóa đào tạo
Khóa đào tạo nhằm mục đích nâng cao kiến thức, hiểu biết về vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay; cung cấp và cập nhật một số các công cụ hiệu quả trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo của các cán bộ thuộc khối công; qua đó những ý tưởng, giải pháp khả thi sẽ được khai phóng và nhân rộng nhằm giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa hiệu quả.
Thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa tại Quảng Ninh
Theo các thông tin cập nhật từ Chương trình đào tạo, ô nhiễm rác thải nhựa đang là một vấn đề nhức nhối hiện nay tại nước ta. Nói riêng, tỉnh Quảng Ninh vẫn đang ghi nhận khoảng 67,5 nghìn tấn/năm lượng rác thải ra môi trường, chiếm 13,5% tổng khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh. Khối lượng chất thải nhựa được thu gom, tái chế ước tính khoảng 34 – 48 tấn/ngày, tương đương 12,4 – 17,5 nghìn tấn/năm và chiếm 26% tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh;… Để giảm thiểu rác thải nhựa một cách hiệu quả, cần có sự can thiệp có hệ thống của các cơ quan nhà nước trong việc hoạch định chính sách nhằm thúc đẩy tất cả các bên và các ngành, từ khối phi chính thức đến chính thức, chuyển những cam kết thành hành động cụ thể.
Trao đổi, chia sẻ các mô hình thành công
Tại khóa đào tạo, các học viên có dịp chia sẻ, trao đổi, thảo luận và phân tích một số mô hình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đã được thúc đẩy thành công dưới sự hỗ trợ của UNDP Việt Nam tại Quảng Ninh. Từ đây, học viên sẽ có khả năng đưa ra đánh giá mang tính hệ thống, đề xuất các giải pháp khả thi dựa trên việc xem xét đầy đủ các khía cạnh, lấy người dân làm trọng tâm trong hệ thống quản lý rác thải, cân nhắc các yếu tố công nghệ, tính hiệu quả, tiện dụng…theo hướng thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng cường bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Thông tin về dự án EPPIC
Khóa đào tạo là một hoạt động thuộc khuôn khổ Dự án “Thách thức đổi mới chấm dứt ô nhiễm nhựa” (EPPIC) do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) khởi xướng với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Na Uy và Cơ quan Hợp tác phát triển Na Uy (Norad) nhằm tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa của các nước ASEAN, cũng như nâng cao năng lực của khối công trong việc hỗ trợ và tăng tốc các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa hiệu quả.